Hệ thống chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm 

Ngày 11/03/2020 10:04:32, lượt xem: 3669

🌿 Hệ thống chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm 

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ ông có sức hấp dẫn bỡi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, về con người Việt Nam. Trong quá trình cầm bút của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp cho nền thơ ca nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung cũng như về nghệ thuật. Đáng kể nhất là trường ca Mặt đường khát vọng, nhà thơ hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên, năm 1971, in lần đầu năm 1974, tác phẩm nhằm thức tỉnh tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam, xuống đường đấu tranh giải phóng đất nước. Và đoạn trích Đất Nước- phần đầu chương V của bản trường ca, được xem là một trong những đoạn thơ hay về chủ đề đất nước.

Thành công của Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn trích Đất Nước, một phần là ở việc tạo ra một không khí, một giọng điệu, một không gian nghệ thuật riêng đưa người đọc vào thế giới gần gũi, mỹ lệ của thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, ca dao, của phong tục tập quán nhưng lại mới mẻ qua cách cảm nhận, tư duy hiện đại với hình thức câu thơ tự do, lời thơ như lời văn xuôi, lời kể chuyện cổ tích. Đó chính là nét đặc sắc thẩm mỹ, thống nhất với tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại" của đoạn trích. Trong đó chất liệu văn hoá, văn học dân gian được sử dụng rất đa dạng và đầy sáng tạo: Có thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ. Có phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt, vật dụng quen thuộc như miếng trầu, tóc bới sau đầu, cái kèo, cái cột, hạt gạo xay, giã, giần, sàng, hòn than, con cúi...Cách vận dụng của tác giả thường là chỉ gợi ra bằng một vài chữ của câu ca dao hay một hình ảnh, một chi tiết trong truyền thuyết, cổ tích.

Vì vậy nếu làm phép hệ thống, ta sẽ thấy Nguyễn Khoa Điềm sử dụng rất nhiều chất liệu của ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ dân gian, các truyền thuyết và cổ tích, các phong tục, tập quán...trong đoạn trích Đất Nước. Trong đó đáng chú ý nhất:

1. Chất liệu văn hoá dân gian trong đoạn trích Đất Nước gắn với ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ của văn học dân gian

Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng một cách sáng tạo đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng cho đoạn trích, vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng. Hơn nữa, có thể nói chất liệu dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của Nguyễn Khoa Điềm, tạo nên một đặc điểm trong tư duy nghệ thuật của ông trong đoạn thơ. Chỉ nói đến cách sử dụng ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, ta cũng thấy sự tinh tế của tác giả trong cách biểu đạt rất riêng, rất độc đáo.

Khi nhà thơ triết lý về cội nguồn sinh ra đất nước cũng là cội nguồn của mỗi gia đình nên Đất Nước không chỉ tạo bỡi những gì trừu tượng, xa xôi mà được hình thành, tạo bỡi từ tình nghĩa thuỷ chung của cha mẹ qua câu thơ :

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Thì đây là ý thơ cho ta thấy tác giả gợi tả từ cái gốc của chất liệu dân gian, đó là từ trong câu ngạn ngữ dân gian “Gừng cay muối mặn”, chỉ những cay đắng gian nan đã gắn bó tình nghĩa vợ chồng. Và thói quen tâm lí, tình cảm này cũng làm cho ta gợi nhớ đến câu ca dao hết sức trìu mến:

Tay bưng chén muối đãi gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

Và khi nói về tình yêu đôi lứa, câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm cũng hết sức mượt mà, đất nước gắn bó với con người trọn đời: từ thuở ấu thơ đến lúc thưởng thành và biết yêu thương, hẹn hò, nhớ nhung lại gắn với hình ảnh Đất Nước:

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Khi xúc cảm nên dòng thơ này, nhà thơ như nhằm muốn tâm sự, trong tình yêu đôi lứa, trong nỗi nhớ nhung da diết của em đã hiện hữu tình Đất Nước. Và đó là nỗi nhớ không định hình được mà câu ca dao tình yêu quen thuộc cất lên rất gần gũi và hết đỗi đời thường:

Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất…

Và khi Nguyễn Khoa Điềm nhằm giải bày Đất Nước trải ra theo chiều dài, chiều rộng của không gian nhưng không gian ấy thật gần gũi, là nơi con chim bay về, nơi con cá móng nước:

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thì đó là một ý thơ có thể nhận thấy, nhà thơ lấy cảm hứng trọn vẹn từ câu hò Bình- Trị- Thiên quen thuộc, bỡi vì nhà thơ được sinh ra và trưởng thành trên vùng đất giàu giá trị văn hóa, thơ Nguyễn Khoa Điềm thấm đẫm hồn Huế, chính vì thấm nhuần nền văn hóa dân gian nơi chôn nhau cắt rốn nên khi khái quát về Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm cũng đã nghĩ ngay đến câu ca dao bình dân của quê hương, xứ sở mình:

Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc
Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi
Gặp nhau đây xin phân tỏ đôi lời

Kẻo mai kia con cá về sông vịnh, con chim nọ đổi dời về non xanh

Tự hào về một đất nước có bề dày lịch sử bốn nghìn năm, nên nhà thơ đã hướng về một yếu tố mang tính tâm linh nhưng hết sức truyền thống của người Việt. Bỡi chính nhân dân là những người đã làm nên cái hồn văn hoá và đạo lí truyền thống cao cả cho đất nước, nên nhà thơ tâm sự:

Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

Trong mỗi chúng ta đều biết cội nguồn dân tộc, gốc gác tổ tiên luôn nhắc nhở mọi người Việt rằng: bái vọng tổ tiên, yêu quê cha đất tổ, chính là những yếu tố góp phần làm nên truyền thống yêu nước của người Việt Nam. Vì thế, bái vọng tổ tiên là điều không thể thiếu, thể hiện sự tôn trọng đầy thiêng liêng của người sống đối với người đã khuất. Đây cũng là ý thơ mà trong ca dao đã từng nhắc nhở:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Có thể nói trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng màu sắc của dân tộc, và nhà thơ đã chọn lọc từ những câu ca dao tiêu biểu nhất để nói về các phương diện truyền thống khác nhau của nhân dân. Trong đó câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã nhằm diễn tả sự say đắm trong tình yêu nhân văn, nhân bản và cao đẹp nhất:

Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi

Là ý tứ từ câu ca dao đầy ngọt ngào, trìu mến, bình dị và hết sức thân quen, nó thường trực hằng ngày mà trong những đôi nam nữ, trai gái yêu nhau không khó để nhận ra:

Yêu em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru

Có lúc câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm là nhằm nói đến sự quý trọng trong lối sống tình nghĩa, biết nâng niu, trân trọng những gì có được từ khó nhọc, gian nan:

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Thì đâu đó phản phất trong ca dao cũng đã đúc kết và nhắc nhở mọi người rằng:

Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng

Ngoài ra, câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm cũng nói đến một phẩm chất nữa của nhân dân Việt Nam là bền bỉ kiên cường trong chiến đấu dựng và giữ nước, vì đất nước là của nhân dân, do nhân dân làm nên, nên đất nước mãi mãi trường tồn, bất diệt:

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Điều này cũng có nghĩa là trong ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ đã luyến láy, cảm hứng xuất phát từ cái gốc của câu ca dao đầy hùng hồn và đanh thép:

Thù này ắt hẳn còn lâu
Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què

Có thể thấy ở tất cả những dòng thơ trên của Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ đã vận dụng và chuyển ý sáng tạo những câu ca dao, ngạn ngữ thành lời thơ đằm thắm, trữ tình, thiết tha của mình, không ngoài mục đích là ca ngợi nhân dân, ca ngợi bản sắc văn hoá của người Việt Nam.

2. Chất liệu văn hoá dân gian trong Đất Nước còn gắn với những thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích…

Đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật của đoạn trích Đất Nước là sự cảm nhận về đất nước trong một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện. Vừa theo mạch cảm xúc thơ, tác giả vừa huy động vào thơ cả một “kho tri thức” phong phú mang tính tổng thể các loại văn học dân gian, đã làm nền tảng vững chắc để làm nổi bật tư tưởng của đoạn trích. Trong lời mở đầu đoạn trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm có dòng thơ:

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể

Lời thơ “ngày xửa ngày xưa” là câu mở đầu thường thấy trong các truyện cổ dân gian, nó mang âm hưởng của những câu chuyện cổ tích, đưa ta về một thuở rất xa xưa.

Sự kì diệu của đất nước trong chống giặc ngoại xâm cũng được nhà thơ gợi lên từ tinh thần nhổ tre đánh giặc n thuở nào của Thánh Gióng mà truyền thuyết đã kể lại. Và những hình tượng quen thuộc trong thần thoại, truyền thuyết như “chim, rồng, Lạc Long Quân, u Cơ, bọc trăm trứng… ” cùng hội tụ trong trường liên tưởng của nhà thơ đã làm nổi bật ý thơ có tầm khái quát cao: dân tộc ta là “con rồng cháu tiên”, cùng được sinh ra từ bọc trăm trứng nở ra trăm con của cha là Lạc Long Quân và mẹ u Cơ. Vì vậy để gợi nhớ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên, Nguyễn Khoa Điềm lại liên tưởng ngay rằng:

Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Nếu trong mỗi chúng ta, ai đó một khi chưa hiểu hết về đất nước với những khái niệm trừu tượng như lãnh thổ, chủ quyền, thì chúng ta sẽ cảm nhận được đất nước là một cái gì đó rất gần gũi, quen thuộc qua những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích mẹ thường kể từ thuở còn nằm trong nôi.

3. Chất liệu văn hoá dân gian còn gắn với phong tục tập quán của người Việt Nam

Đất nước còn được hình thành từ những truyền thống cao đẹp như truyền thống yêu nước, anh hùng, lao động, văn hóa. Trước hết là truyền thống văn hóa với phong tục ngàn đời của cha ông ta đúc kết lại. Vì thế, khi Nguyễn Khoa Điềm tâm sự:

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đó là phong tục “miếng trầu là đầu câu chuyện” có từ thuở các vua Hùng dựng nước. Hay gợi nhớ câu chuyện “Trầu cau” đầy nghĩa tình vừa mang yếu tố truyền thuyết lại vừa đậm yếu tố đời thường cũng là gợi nhớ tục ăn trầu của người Việt.

Hay khi nhà thơ miêu tả cái dáng dấp thấp thoáng của người mẹ hiện lên trong vẻ đẹp đầy nữ tính của người phụ nữ Việt Nam, nhà thơ đã viết:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Tục búi tóc thành cuộn sau gáy của người dân Việt, đó là tập quán thể hiện quan niệm “cái răng cái tóc là góc con người” của người Việt cổ xưa mà đã một thời tô điểm vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ Việt Nam.

Nhà thơ đã đưa đến cho người đọc quan niệm hình thành đất nước, đất nước chúng ta được hình thành từ trong cộng đồng của những người có chung kiểu ngôn ngữ nôm na dễ hiểu như thói quen đặt tên con bằng tên các đồ vật cho dễ nuôi của người dân lao động nước ta:

Cái kèo, cái cột thành tên

Với miếng trầu dung dị hiện lên trên cái miệng móm mém nhai trầu của bà, mái tóc bới hiền hòa của mẹ, cách gọi tên “cái kèo, cái cột” dân dã. Tất cả những điều tưởng chừng như bình thường ấy đã trở thành nếp sống, thành phẩm chất tốt đẹp, thành thuần phong mĩ tục đậm đà bản sắc mang tính văn hoá Việt Nam.

Có thể nói từ những hệ thống như trên, chúng ta thấy Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng chất liệu văn hoá, văn học dân gian một cách sáng tạo. Không trích dẫn nguyên văn câu ca dao, tục ngữ, dân ca, không kể dài dòng các truyền thuyết, truyện cổ tích, các phong tục tập quán, mà nhà thơ chỉ bắt lấy rất tinh tế cái hồn của chất liệu dân gian để gợi liên tưởng, gợi suy ngẫm cho người đọc. Cho nên khi tiếp xúc tạo cho người đọc cảm giác vừa quen vừa lạ. Cảm giác “quen” vì từ thuở ấu thơ mỗi người trong chúng ta, ai cũng đã sống trong không khí văn hoá dân gian, cho nên trong mỗi người Việt Nam hết sức nhạy cảm với ca dao dân ca, cổ tích, truyền thuyết hay các phong tục tập quán…Chỉ cần một lay động nhỏ, là tâm hồn người Việt Nam đã rung lên bao hồi ức. Còn cảm giác “lạ” là khi đọc những dòng thơ này là do từ những chất liệu văn hoá, văn học dân gian rất gần gũi ấy, nhà thơ đã thu nạp được nhiều ý tưởng rất thơ, rất êm dịu và cũng rất bất ngờ đem lại sức hấp dẫn cho đoạn thơ.

Đến đây ta có thể nhận ra rằng: vẻ đẹp của chất liệu văn hoá dân gian là vô cùng quan trọng đối với văn học viết nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung. Và cũng chính những chất liệu văn hóa ấy khi được cảm nhận sâu sắc và vận dụng sáng tạo vào thơ sẽ tạo nên những khoảng âm vang rất lớn để thơ ca trường tồn và song hành cùng thời gian, chính chiều sâu của những chất liệu văn hóa dân gian đã tạo nên nét độc đáo riêng của đoạn trích Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

| Dẫn từ Thầy Chí Bằng - Quà tặng văn học. <3

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Khoa Điềm - “Đất nước” (trả lời phỏng vấn), Tác giả nói về tác phẩm, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2000
2. Phan Trọng Luận chủ biên- Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục 2008
3. Nguyễn Quang Thiều chủ biên - Tác giả nói về tác phẩm, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2000
4. Nguyễn Kim Phong chủ biên- Kỹ năng đọc hiểu văn bản, Nxb Giáo dục 2008

#thuongvan
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn ❤️

Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia - Học văn chị Hiên

Tin liên quan